Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mảnh mẽ của công nghệ thông tin, ngoài việc phát triển xây dựng hệ thống Internet đảm bảo truy cập, khai thác thông tin hàng ngày của người dân thì việc xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những vấn đề Công nghệ thông tin được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam nhằm mục đích giúp cho sự kết nối giữa người dân và các Cơ quan hành chính được tốt hơn. Từ những bước đặt nền móng cho việc xây dựng CPĐT ở VN vào đầu những năm 2000 cho đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định như việc phổ cập tin học đến hầu hết các cán bộ ban ngành địa phương, xây dựng được hạ tầng Công nghệ thông tin sẵn sàng cho kết nối và hướng tới Chính phủ điện tử tập trung như hạ tầng mạng truyền dẫn tốc độ cao, cổng thông tin, website cho các đơn vị, các phần mềm quản lý tác nghiệp cho từng đơn vị, bên cạnh đó là rất nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến đến người dân.
Với những kinh nghiệm được đúc rút từ thất bại của đề án 112 cùng với nhiều hội thảo về Chính phủ điện tử được tổ chức và sự đóng góp của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã chính thức giới thiệu Khung kiến trúc Chính Phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 vào tháng 04/2015 với mục đích hướng tới việc xác định rõ các thành phần, bộ phận của tổ chức, cơ quan và các mối quan hệ giữa các thành phần này trong Chính phủ điện tử (1). Khung kiến trúc sẽ là tiền đề giúp cho các Cơ quan hành chính xác định được trách nhiệm, vị trí của từng đơn vị trong sự phát triển chung của Chính phủ điện tử một cách đồng bộ từ Trung ương đến Địa phương, giúp cho các Bộ, ban, ngành địa phương có một cái khung nhìn chung, một hướng đi rõ ràng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử toàn diện ở Việt Nam.
Tuy nhiên chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, trong đó, tính liên thông giữa các phần mềm (bao gồm liên thông trong từng địa phương, bộ ban ngành và liên thông mức quốc gia) và khả năng tái sử dụng linh hoạt các phần mềm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng giải pháp chung cho Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Và đặc biệt, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử được nêu ra cũng chưa đề cập nhiều đến vấn đề hết sức quan trọng là chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ cho các ứng dụng nội bộ từng đơn vị, cũng như cho các thủ tục hành chính. Kể từ năm 2008 sau khi chấm dứt đề án 112, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động hằng ngày. Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, việc áp dụng giải pháp công nghệ vào giải quyết các vấn đề về chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ tác nghiệp trong Chính phủ đã được ưu tiên từ lâu. Áp dụng công nghệ vào việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ như cải cách, chuẩn hóa các thủ tục hành chính sẽ giúp tăng hiệu quả phục vụ người dân của Chính phủ, giảm thiểu thời gian đưa các chính sách vào thực thi trong đời sống. Hiện nay ở một số các đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã có những giải pháp công nghệ hỗ trợ cho tin học hóa các quy trình tác nghiệp hằng ngày, có thể kể đến như giải pháp của Công ty DTT ở Đà Nẵng, FPT ở Bắc Ninh, Savis ở Bắc Giang hay một số đơn vị hành chính tại Hải Phòng, Quảng Ninh hay TP.HCM đã đưa các dịch vụ công lên trực tuyến, giúp người dân tương tác tốt hơn với các Cơ quan hành chính. Tuy nhiên các giải pháp này hiện tại không đồng bộ, mang tính nhỏ lẻ và hầu hết đều khó thay đổi chỉnh sửa, các cán bộ nhà nước chỉ tham gia vào hệ thống như người sử dụng, khả năng đóng góp ngược, cải tiến quy trình chưa cao.
Sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay đã đưa đến cho chúng ta rất nhiều giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hóa cũng như chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ trong Chính phủ điện tử. Quản lý quy trình nghiệp vụ (Business Process Management – BPM) hiện nay được triển khai thành công trên rất nhiều bài toán về hệ thống phần mềm lớn cũng như tại các quốc gia đã và đang phát triển giúp kết nối nhiều ứng dụng, nâng cao khả năng liên thông, kết nối xuyên suốt cũng như tái sử dụng các quy trình nghiệp vụ, các ứng dụng và thành phần phần mềm sẵn có với mục đích giúp nâng cao hiệu quả triển khai hệ thống đồng thời giải quyết được các vấn đề về chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ tác nghiệp trong các Cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, giảm thiểu được thời gian đưa các chính sách vào trong thực tiễn.
Mục tiêu nghiên cứu và kết quả đạt được
- Nghiên cứu tổng quan về Chính phủ điện tử, đưa ra được ưu, nhược điểm và các vấn đề còn bất cập hiện tại của CPĐT.
- Nghiên cứu tổng quan về các thủ tục hành chính tại các cơ quan Chính phủ Việt Nam.
- Đưa ra được được các bước cụ thể để thực hiện một dự án quản lý quy trình nghiệp vụ cũng như đưa ra được các bước thực hiện cho việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ đó.
- Thực hiện việc chuẩn hóa bằng các bước đã đề xuất để từ đó đưa ra được ưu nhược điểm và chứng minh được tính khả thi của việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ trong CPĐT.
Phương pháp nghiên cứu
- Để đạt được mục tiêu đã đề ra của luận văn, chúng tôi sẽ thực hiện luận văn theo các bước cụ thể như sau:
- Nghiên cứu các vấn đề lý thuyết liên quan đến Chính phủ điện tử ở Việt Nam và trên Thế giới.
- Nghiên cứu về khung Chính phủ điện tử ở Việt Nam được giới thiệu tháng 04 – 2015.
- Nghiên cứu về các bài toán chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thành công với Chính phủ điện tử tại một số nước phát triển trên Thế giới.
- Nghiên cứu các vấn đề về công nghệ và việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ để giải quyết các bài toán gặp phải khi xây dựng CPĐT.
- Tìm hiểu về các quy trình, phần mềm thực tế trong hệ thống cơ quan nhà nước để áp dụng các giải pháp công nghệ đã nghiên cứu.
- Khảo sát một số quy trình nghiệp vụ thực tế trong các cơ quan Nhà nước. Đưa ra các ưu nhược điểm của các quy trình hiện tại.
- Đưa ra các bước cài đặt thực tế theo hướng tự động hóa cho việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ trong các thủ tục hành chính của Chính phủ điện tử.
- Áp dụng BPM theo chuẩn BPMN2.0 với các bước đã được đề xuất để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ đã khảo sát nhằm đưa ra lợi ích cũng như ưu nhược điểm của việc chuẩn hóa.
Tổ chức của luận văn
Luận văn được tổ chức chia làm 5 chương chính:
Chương 1: Đưa ra mục tiêu nghiên cứu và cấu trúc chi tiết của luận văn
Chương 2: Trình bày các khái niệm cơ bản về CPĐT, các vấn đề chính trong CPĐT như quá trình hình thành, xu hướng phát triển CPĐT ở VN và trên TG. Khái quát chung về Khung Kiến trúc CPĐT ở VN và các yêu cầu cũng như vấn đề khi áp dụng vào thực tiễn.
Chương 3: Trình bày các khái niệm cơ bản về quy trình nghiệp vụ, các vấn đề chính trong quản lý quy trình nghiệp vụ, đưa ra đánh giá về mô hình hóa quy trình nghiệp vụ và đề xuất việc sử dụng BPM trong CPĐT ở Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề chính trong quản lý nghiệp vụ hiện tại ở các cơ quan nhà nước, trong chương này, chúng ta cũng đề cập đến tính khả thi của việc chuẩn hóa thông qua mô hình cũng như các bước quản lý, thực thi được đề xuất.
Chương 4: Trình bày khảo sát một số quy trình nghiệp vụ thực tế tại các cơ quan Nhà Nước. Áp dụng Bonita BPMN 2.0 để mô hình hóa các quy trình đồng thời cũng đưa ra các quan điểm dẫn chứng để chứng minh cho tính khả thi của việc chuẩn hóa và việc tích hợp các dịch vụ web vào hệ thống Chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện thời.
Chương 5: Đưa ra kết quả và mục tiêu nghiên cứu tiếp theo của luận văn.
Lưu ý: Link tải có chứa quảng cáo được rút gọn bằng Shrinkearn.com
Mật khẩu mở tệp PDF: sharetailieu.net